Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Cây Chùm Ngây làm trụ cho cây Hồ Tiêu

Người đem sức sống mới cho cây Hồ Tiêu
Tây Nguyên, giữa những cơn mưa đầu mùa là những đợt nắng đến khô người kèm theo những cơn bụi đỏ. Nhưng khi bước vào vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Tình (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) lại thấy dễ chịu khác thường. Không chỉ là màu xanh của lá tiêu, khu vườn nhà ông còn có màu xanh của trụ tiêu được trồng bằng cây chùm ngây, sầu đâu, dưới đất là cây đậu dại phủ kín…

Ông Tình với trụ tiêu sống bằng cây sầu đâu

Muốn cắt bao nhiêu thì cắt

Hiện chỉ có 3.000 trụ tiêu, tương đương với diện tích 1,5ha nhưng quy trình sản xuất của ông Tình đang được Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê và các chuyên gia đánh giá cao vì yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường. Ông cũng chính là người đầu tiên của vùng tiêu Chư Sê trồng cây đậu dại che mặt đất, trồng cây sầu đâu, chùm ngây làm trụ cho cây tiêu leo bám thay vì trồng bằng trụ gỗ.
Nhiều vườn tiêu của vùng tiêu Chư Sê xin ông cây đậu dại về ươm trên mảnh vườn của mình. Có người đặt vấn đề mua đậu dại giống nhưng ông xua tay: “Muốn cắt bao nhiêu thì cắt. Cây này lớn nhanh lắm, chỉ cần vài tuần là phủ kín vườn đó mà. Có đáng gì đâu mà bán”.
Tháng 4-2010, cậu con trai đầu (hiện là sinh viên trường ĐH FPT) lên mạng, thấy được thông tin về cây đậu dại và in tài liệu này đưa cho cha xem. Khoảng một tháng sau, tình cờ đến thăm người bạn bên huyện EaH’Leo (Đắk Lắk), thấy cây đậu dại đang được ươm trong vườn, ông xin được ít giống đem về. Chỉ hai tuần sau, những cây đậu dại đã ra lá xanh um, bò lan mấy gốc tiêu. Ban đầu, ông không dám nhân rộng mà theo dõi tác động của cây đậu dại đến vấn đề dinh dưỡng của cây tiêu. “Sợ nó hút hết phân của cây tiêu nên không dám nhân rộng. Sau ba tháng, những gốc tiêu có trồng đậu dại không chỉ phát triển như những trụ tiêu khác mà lá còn xanh hơn, mặt đất ẩm hơn… Vậy là yên tâm”.
Ông nhân rộng giống đậu dại khắp cả vườn tiêu đang cho quả. Tuy không rõ lá đậu dại bổ sung dinh dưỡng cho đất như thế nào nhưng ông thấy loài cây này giúp mặt đất ẩm ướt khi trời nắng gắt, còn vào mùa mưa dầm hạn chế tình trạng xói mòn đất.
Ông Hoàng Phước Bính – Phó chủ tịch Hiệp hội tiêu Chư Sê đánh giá: “Không những không có hiện tượng xấu từ cây đậu dại mà còn có những tác động tích cực. Điều dễ thấy nhất là ông Tình đã tiết kiệm được chi phí tưới nước, làm cỏ. Chúng tôi đang vận động người dân phủ xanh vườn tiêu bằng giống cây dại này như ông Tình đã làm”.

Thích làm “nghiên cứu khoa học”

Cách đây hai năm, ông Tình mày mò tìm ra một giống cây khác cũng có những tính năng tương tự như cây chùm ngây nhưng có độ dẻo hơn, đó là cây sầu đâu. Ông cho biết: “Trong vòng đời của cây tiêu, nếu trồng trên trụ gỗ, trong vòng 10 năm đầu sẽ có năng suất cao hơn, còn nếu trồng trên cây sống năng suất thấp hơn. Nhưng tuổi thọ của tiêu trên cây sống sẽ dài hơn trụ gỗ ít nhất là 5 năm, cộng vào đó chi phí sản xuất thấp hơn. Tính ra, người trồng tiêu trên trụ bằng cây sống sẽ có lợi nhiều hơn”.
Ngoài việc trồng đậu dại để phủ xanh vườn tiêu và trồng trụ sống bằng sầu đâu, ông Tình còn là người đã nghiên cứu thành công “ghép tiêu với dây trầu”. Theo lời ông, trầu là loại dây leo chống được hạn, sâu bệnh, tuyến trùng và phát triển nhanh nên khi ghép với tiêu, sẽ có năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn vì chi phí sản xuất thấp. Ông thẳng thắn: “Tôi nghĩ sao thì làm vậy, nông dân mà. Vì chưa có kết quả cuối cùng nên không muốn ai biết, chỉ có trao đổi với anh em đam mê cây tiêu ở Hiệp hội tiêu Chư Sê để cùng tìm ra một điều mới mẻ gì đó cho cây tiêu”.
Ông thừa nhận nông dân trồng tiêu bây giờ được xếp vào hạng giàu nhưng “cây tiêu giống như con gái, đỏng đảnh và khó tính vô cùng”, chỉ cần một trận dịch là trắng tay chưa kể có lúc giá bán thấp hơn giá thành. Đã có nhiều chủ vườn phải bán đất trả nợ tiền mua phân, thuốc trừ sâu, xăng dầu… “Muốn sống cùng cây tiêu, tôi cho rằng phải theo phương thức sản xuất theo hướng bền vững”, ông Tình tâm sự. Giá trị bền vững, theo quan niệm của ông dễ hiểu: hạn chế những sản phẩm hóa học, ứng dụng các giải pháp sinh học… Bước đầu ông Tình đã làm được theo suy nghĩ rất riêng ấy, dù là một nông dân “không được học hành tử tế” như lời ông tự nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét