Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Nông nghiệp Mỹ: mẫu hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nông nghiệp Mỹ mẫu hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Đứng trước những cánh đồng ở Mỹ tôi liên tưởng đến mục tiêu Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân nước ta, một mục tiêu mà chúng ta khó lòng có thể đạt được vào năm 2020 như hằng mong muốn.


Mỹ là nước có GDP/PPP tới 14 660 tỷ USD (2010), tuy nhiên nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ có 1,1% trong GDP.
Lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm có 0,7% trong tổng số 153,9 triệu lao động trên toàn nước Mỹ. Vậy mà nông nghiệp Mỹ lại là một mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất điển hình. Cánh đồng ở Mỹ trông lút tầm mắt mà không thấy những chiếc bờ ruộng quen thuộc như ở nước ta. Cư dân nông thôn Mỹ chỉ chiếm có 18% , cư dân thành thị chiếm 82% trong tổng số trên 313,23 triệu dân (2011) Họ không phải là nông dân theo cách hiểu thông thường, họ là công nhân nông nghiệp vì lao động hoàn toàn bằng các phương tiện cơ giới hóa.Khi cần thu hoạch cà chua hay các sản phẩm không sử dụng được máy móc người ta thuê lao động từ nước Mexico láng giềng.
Tôi đã sang thăm Mexico và nhiều người nói với tôi là chỉ cần đi làm thuê một vụ thu hoạch ở Mỹ cũng đủ sống cả năm rồi (!).
Nước Mỹ có khoảng 2,1 triệu trang trại (farm), với diện tích bình quân mỗi trang trại là 446 acres (1 acre= 0,4ha). Các trang trại chiếm mật độ cao ở một số bang ở vùng Trung Tây nước Mỹ (ví dụ ở Texas là 230 nghìn trang trại, Montana- 105 nghìn, Indiana- 88,6 nghìn, Kentucky- 84,0 nghìn…).
Đất đai ở vùng Trung Tây nước Mỹ thuộc loại màu mỡ nhất thế giới Tỷ lệ (%) ruộng đất trong các trang trại ở các vùng khác nhau được trình bày trong hình sau đây. Đối với toàn nước Mỹ thì diện tích đất trồng trọt chỉ chiếm có 18,01% đất đai , trong đó diện tích trồng trọt thường xuyên chỉ chiếm có 0,21% đất đai (!). Nước Mỹ rất rộng lớn (9 161 923 km2 đất đai- không kể diện tích nước). Chính nhờ cơ giới hóa triệt để nên sản lượng nông nghiệp của Mỹ là rất lớn tuy với số lao động không nhiều. Lấy số liệu năm 2010 làm ví dụ , tổng kim ngạch xuất khẩu là 1289 tỷ USD và tuy tỷ lệ nông sản phẩm xuất khẩu chỉ chiếm 9,2% cũng đã là 118,58 tỷ USD .(chủ yếu là ngô, đậu tương, hoa quả…). Lương thực được sản xuất ra rất an toàn, có chất lượng cao, phong phú và giá cả phải chăng.


Nền nông nghiệp Mỹ cũng đạt được sự dồi dào và đa dạng nhất trên thế giới. Có khoảng 7% số trang trại thu được bình quân tới từ 250 000 USD trở lên.
Sản lượng các nông sản phẩm chính của Mỹ (2006) là

Ngô- 10,5 tỷ bu (1 bushel =khoảng 22-27kg, tùy loại nông sản);
Yến mạch- 93,7 triệu bu;
Lúa mạch- 180 triệu bu;
Lúa miến-277,5 triệu bu;
Tiểu mạch- 1,8 tỷ bu;
Lúa mạch đen- 7,2 triệu bu;
Bông- 20,9 triệu b (1 bale= 217,7kg);
Thuốc lá- 726 triệu lb (1lb =0,4536kg);
Lạc- 3,5 tỷ lb;
Đậu tương-3,2 tỷ lb;
Khoai tây- 434,7 cwt (1cwt= 45,36kg);
Khoai lang- 16,4 triệu cwt;
Lúa- 193,7 cwt;
Mía- 29,5 triệu tấn,
Củ cải đường-33,8 triệu tấn;
Táo- 5 triệu tấn;
Nho- 6,3 triệu tấn;
Đào- 1 triệu tấn;
Bò- 96,7 triệu con (trong đó có 9,1 triệu bò sữa);
Cừu- 6,2 triệu con;
Lợn- 62,1 triệu con…
Trong cây trồng thì chiếm tỷ lệ cao nhất là ngô, đậu tương, tiểu mạch, bông…Mặc dù nông nghiệp ở Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP nhưng các trang trại vẫn duy trì được sức mạnh kinh tế và chính trị của mình. Ngay từ năm 2002, giá trị thị trường của sản lượng nông nghiệp Mỹ đã đạt hơn 200 tỷ đô-la, bao gồm 45 tỷ đô-la từ thịt gia súc và da bò; gần 40 tỷ đô-la từ các loại hạt như ngô, lúa mì và các loại hạt dầu như đậu nành; gần 24 tỷ đô-la từ gia cầm và trứng; 20 tỷ đô-la từ sữa và các sản phẩm bơ sữa và 12 tỷ đô-la từ cừu và lợn.

Mặc dù trên khắp nước Mỹ có hơn 2 triệu trang trại nhưng chỉ có rất ít tập đoàn trang trại lớn thống trị thị trường – 1,6% các trang trại trong năm 2002 nhưng chiếm một nửa tổng giá trị sản phẩm.
Tuy Mỹ thường trong tình trạng thâm hụt thương mại nhưng lại thặng dư trong thương mại nông sản.

Năm 2007, các trang trại Mỹ xuất khẩu 78 tỷ đô-la, trong đó, phần lớn nhất được xuất sang các nước Châu Á, mặc dù Canada và Mêhicô là hai thị trường có đóng góp lớn nhất trong sự tăng trưởng mới đây của xuất khẩu nông sản. Khoảng ¼ sản lượng đầu ra của các nông trại Mỹ được xuất khẩu. 
Một chính sách quan trọng của Chính phủ Mỹ là trợ cấp của Chính phủ cho nông nghiệp. Năm 2006 Chính phủ đã trợ cấp tới 25 tỷ USD để hỗ trợ về thu nhập, bảo lãnh giá cả hoặc giống cây trồng cho nhà nông. Chính nhờ trợ cấp của Chính phủ mà nhiều trang trại ở Mỹ đã chuyển đổi từ mô hình trang trại gia đình quy mô nhỏ sang tập đoàn nông nghiệp trang bị công nghiệp hóa ở mức hiện đại.
Riêng 25 000 người trồng bông ở Mỹ mỗi năm đã nhận được tiền trợ cấp từ Chính phủ lên đến 2,5-3 tỷ USD (!) Đứng trước cánh đồng trồng cà chua ở Mỹ tôi thậm chí không nhìn thấy đất (!) vì toàn bộ diện tích đất được phủ kín bằng màng chất dẻo (để tránh bay hơi nước). Cây cà chua mọc lên từ các lỗ khoét nhỏ, cao đến đâu lại được che tiếp bằng màng chất dẻo (để lọc ánh sáng có hại và phòng tránh sâu bệnh). Tôi cũng không nhìn thấy mương máng vì nước hòa phân bón được nhỏ giọt vào từng gốc cà chua bằng những ống chất dẻo rất nhỏ (để tiết kiệm nước và phân bón).
Người nông dân lái máy kéo ngồi trong cabin có lắp điều hòa nhiệt độ (!) và hầu như mọi hoạt động trên đồng ruộng đều đã được cơ giới hóa. Công nghệ sinh học đã có đất phát triển nhanh chóng ở Mỹ. Bên cạnh việc cải tiến về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì Mỹ là nước đã đi đầu trong số 23 nước trên thế giới triển khai rộng lớn cây trồng chuyển gen (GMC-genetically modified culture).

Dân số thế giới đã tăng lên quá 6 tỷ người và dự kiến sẽ lên tới 8 tỷ người vào năm 2025, và 10 tỷ người vào năm 2050. Kỹ thuật tạo giống cổ điển kiểu “cách mạng xanh” của thập niên 60 thế kỷ XX đã không còn có khả năng tăng năng suất cao như trước (75%), mà chỉ còn khoảng 1,5% mỗi năm. Trong khi đấy, kỹ thuật chuyển đổi gen đã cho thấy có khả năng tạo một bước nhảy vọt, không những trong việc tăng năng suất và chất lượng cây trồng ( năng suất cao, chống lại sâu bệnh, chống chịu với khí hậu nóng hay lạnh, chống chịu với nồng độ cao của thuốc trừ cỏ , kéo dài thời gian bảo quản…) mà còn cải thiện được môi trường (giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón hóa học…) và bảo vệ sức khoẻ của nông dân (ít tiếp cận với hoá chất) và người tiêu thụ (thức ăn không có tồn dư hoá chất, kim loại nặng, vi sinh vật… vượt ngưỡng cho phép.

Trong khoảng thời gian 1996-2005 cây trồng chuyển gen đã được triển khai trên một diện tích rất rộng lớn – khoảng 900 000 km2, trong đó có tới 55% là ở Mỹ. Diện tích cây trồng chuyển gen đến năm 2007 đã tăng lên đến 114,3 triệu ha. Riêng Mỹ diện tích cây GMC năm 2007 đã là 57,7 triệu ha. Việc trồng cây biến đổi gen (GMC) tăng lên rõ rệt trên toàn cầu trong năm 2009. So với năm 2008, diện tích giao trồng GMC đã tăng 9 triệu ha trong tổng số 134 triệu ha. Sự tăng trưởng này đạt 3% ở các nước công nghiệp (2 triệu ha) và 13% ở các quốc gia đang phát triển (7 triệu ha)
Nông dân nhiều nước đã trồng các cây chuyển gen mang nhiều đặc tính (stacked traits), vì vậy nếu tính diện tích cây trồng chuyển gen theo đặc tính thì tăng thêm 22% , nghĩa là đạt diện tích 22%. Đã có tới 12 triệu nông dân trên thế giới tham gia vào việc trồng cây chuyển gen, trong số này có tới 90% là những nông dân nghèo thuộc các nước đang phát triển (khoảng 11 triệu người).Trong 11 năm từ 1996 đến 2006 cây trồng chuyển gen đã làm tăng thêm thu nhập tới 33,8 tỷ USD (trong đó riêng Mỹ là 15,8 tỷ USD). Giống đu đủ Hawaii (Mỹ) đề kháng với virut gây bệnh khảm lá nên cho nhiều quả với chất lượng cao đã được trồng rộng rãi ở Mỹ.Cải dầu (Canola) chuyển gen có tính đề kháng cao với thuốc trừ cỏ glyphosate hay glufosinate được trồng rộng rãi ở Mỹ.Củ cải đường kháng thuốc trừ cỏ glyphosate hay glufosinate đã được trồng rộng rãi ở Mỹ.
 Các quốc gia phát triển GMC lớn nhất là Mỹ (64 triệu ha), Brazil (21.4 triệu ha), Argentina (21,3 triệu ha), Ấn Độ (8,4 triệu ha) và Canada (8,2 triệu ha)... Theo thống kê năm 2010 thì tại Mỹ diện tích trồng cây chuyển đổi gen là rất lớn: đậu tương HT (đề kháng với thuốc trừ cỏ) chiếm tới 93% diện tích; bông HT- 78%; bông Bt (chống sâu hại)- 73%; ngô Bt- 63%; ngô HT- 70%. Các Công ty Công nghệ sinh học ở Mỹ đang phấn đấu biến cây trồng chuyển gen (GMC) ngoài chuyện kháng thuốc trừ cỏ, chống chịu sâu bệnh còn hướng tới nhiều mục tiêu khác (kháng mặn, chịu hạn, chịu lạnh, kháng nấm, kháng vi khuẩn, kháng virut, tăng giá trị dinh dưỡng, kéo dài thời gian bảo quản. Ngoài ra cây trồng chuyển gen còn được sử dụng như những nồi phản ứng sinh học (bioreactors) vì mang các gen sản sinh kháng nguyên thay cho vacxin hoặc các protein có tác dụng chữa nhiều bệnh hiểm nghèo.
 Một phần sản phẩm nông nghiệp được sử dụng làm nguồn carbon để nuôi cấy ở quy mô công nghiệp các vi sinh vật mang gen tái tổ hợp nhằm sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm quýy giá phục vụ cho chản đoán và điều trị trên 200 loại bệnh tật khác nhau. Nổi bật nhất là các sinh dược phẩm (biopharmaceuticals). Đó là insulin, kích tố sinh trưởng người (HGH), nhân tố tương quan dến kích tố sinh trưởng (GHRF),interferon (IFFNα, IFNβ, IFNγ ) lymphokine, interleukin-2, interleukine-3,nhân tố kích hoạt đại thực bào (MAF), nhân tố sinh trưởng tế bào-B (B-cell GF), streptokinase, urokinase, nhân tố kích hoạt plasmonogen mô, thymosis, albumin, nhân tố máu (BF) eythropoietin, thrombopoietin, nhân tố kích thích tạo tập đoàn (CSF, G-CSF), kích tố giải phóng gonadotropin (GnRH), ganodotropin kỳ mãn kinh (MGn), calcitonin, nhân tố sinh trưởng biểu bì (EGF), nhân tố hoại tử khối u (TNF), α-11 antitrypsin, atrial natriuetic peptide, kháng thể đơn dòng (MABs), gene chip, các loại vaccine, kháng sinh ,aminoacid thế hệ mới …Mỹ hiện có tới khoảng 1000 Công ty Công nghệ sinh học và riêng 8 tháng đầu năm 2008 đã thu về tới 360 tỷ USD (!)
 Một đất nước đông tới 313,232 triệu dân, nông nghiệp chỉ chiếm 1,1% trong cơ cấu GDP, tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% lực lượng lao động cả nước (2010) nhưng lại là nước xuất khẩu nhiều nông sản phẩm, là nước dẫn đầu về các sản phẩm Công nghệ sinh học hiện đại và bình quân thu nhập đầu người (GDP/PPP) hiện là 47 200 USD. Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở Mỹ rất đáng được coi là một mô hình đáng để chúng ta nghiên cứu và tham khảo.



Trích " Nguyễn Lân Dũng "

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét